Những điều cần biết về cho thuê lại lao động

Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Hình thức lao động này đã giúp cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài linh hoạt trong việc sử dụng lao động (rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm các chi phí tuyển dụng,…). Tuy nhiên đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi một số công việc nhất định.

Cho thuê lại lao động

Thứ nhất, doanh nghiệp cho thuê lại lao động được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng các điều kiện:

– Đã ký quỹ 2.000.000.000 đồng.

– Mức vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng trở lên.

– Có trụ sở: địa điểm trụ sở ổn định và có thời hạn ít nhất 02 năm trở lên.

– Người đại diện theo pháp luật có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên.

Thứ hai, các ngành nghề được phép thực hiện cho thuê lại lao động:

– Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký. – Vận hành, kiểm tra, sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất.
– Thư ký/Trợ lý hành chính. – Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy.
– Lễ tân. – Biên tập tài liệu.
– Hướng dẫn du lịch. – Vệ sĩ/bảo vệ.
– Hỗ trợ bán hàng. – Tiếp thị, chăm sóc khách hàng qua điện thoại.
– Hỗ trợ dự án. – Xử lý các vấn đề tài chính, thuế.
– Lập trình hệ thống máy sản xuất. – Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô.
– Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông. – Scan, vẽ kĩ thuật công nghiệp/ Trang trí nội thất.
– Lái xe.  

Lưu ý: các trường hợp sau đây không được phép cho thuê lại lao động

– Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

– Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.

– Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.

– Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp người lao động đó đã sinh sống tại khu vực trên từ đủ 03 năm trở lên; công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Thứ ba, mối quan hệ giữ các chủ thể

Bản chất hình thức lao động này là mối quan hệ giữa ba bên: Bên cho thuê lại lao động (CTLLĐ), người lao động thuê lại (NLĐTL), bên thuê lại lao động (TLLĐ).

– Quan hệ giữa bên cho thuê lại lao động và người lao động thuê lại:

Quan hệ này cũng giống như các quan hệ lao động thông thường, một bên là người sử dụng lao động, bên còn lại là người lao động được tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động. Bên CTLLĐ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhằm đảo bảo quyền lợi cho NLĐTL như trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… đồng thời NLĐTL cũng phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như được trả lương từ bên cho thuê, được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bên cho thuê vi phạm, chịu hình thức kỷ luật khi vi phạm nội quy lao động,…

– Quan hệ giữa bên cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động:

Trong mối quan hệ này, hai bên phải ký kết với nhau hợp đồng cho thuê lại lao động (mang tính chất của hợp đồng dịch vụ – Điều 513 Bộ Luật dân sự 2015). Theo hợp đồng này, bên CTLLĐ cung cấp số lượng lao động theo đúng yêu cầu cho bên TLLĐ. Đồng thời, bên TLLĐ phải trả một khoản tiền (hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng) cho bên kia. Khi hết thời hạn cho thuê (tối đa không quá 12 tháng), bên TLLĐ phải hoàn trả lại số lao động cho doanh nghiệp CTLLĐ.

– Quan hệ giữa bên thuê lại lao động và người lao động thuê lại:

Trong mối quan hệ này, bên TLLĐ không trực tiếp tuyển dụng người lao động mà thông qua hình thức thuê lại. Tuy nhiên, NLĐTL vẫn phải chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động, sự điều hành hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể của bên TLLĐ giống như người lao động cùa doanh nghiệp đó. Bên TLLĐ có quyền điều hành quản lý NLĐTL nhưng khi NLĐTL vi phạm nội quy, kỷ luật lao động, bên TLLĐ phải trả NLĐTL cho bên CTLLĐ xem xét mà không được trực tiếp xử lý vi phạm.

Qua đó, có thể thấy rằng, cho thuê lại lao động là phương thức nhằm đáp ứng kịp thời sự gia tăng đột ngột về nhân sự để thực hiện hoạt động của doanh nghiệp. Phương thức này không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng tìm kiếm được nhân sự phù hợp với tiêu chuẩn của công ty mà còn giúp cho người lao động có thêm nhiều kênh việc làm phù hợp.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự 2015;

– Nghị định 55/2013/NĐ-CP

 

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.