NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI CAO TUỔI

Lượt xem: 632

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn giao kết hợp đồng với người lao động cao tuổi theo nguyện vọng tiếp tục làm việc cũng như năng lực chuyên môn của họ đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Do đó, để ký kết hợp đồng lao động với người cao tuổi, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI CAO TUỔI

1. Thế nào là người lao động cao tuổi?

– Người lao động cao tuổi là những người sau tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ vẫn tiếp tục lao động (kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng lao động mới) theo sự thỏa thuận với người sử dụng lao động khi có nhu cầu.

– Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Đây là độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động; đồng thời, là một trong các điều kiện để hưởng chế độ hưu trí của Bảo hiểm xã hội.

2. Thời gian làm việc của người cao tuổi

– Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày (Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu) hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

– Hiện nay không có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thời gian làm việc được rút ngắn tối đa cho người lao động cao tuổi. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian làm việc nhiều hơn so với thời gian tối thiểu theo quy định luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện vì đây là chính sách có lợi cho người lao động đặc biệt là người lao động cao tuổi.

– Ngoài ra, theo khoản 11 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Do đó, rút ngắn thời giờ làm việc cho người lao động cao tuổi là một quy định bắt buộc.

3. Các trường hợp doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng với người lao động cao tuổi

Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt khi người lao động cao tuổi đáp ứng các điều kiện theo Điều 11 Nghị định 45/2013/NĐ-CP.

4. Chăm sóc sức khỏe cho người lao động cao tuổi

– Căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe của từng loại công việc mà người sử dụng lao động tuyển dụng và sắp xếp công việc phù hợp cho người cao tuổi.

– Hàng năm, cứ 06 tháng một lần, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cao tuổi. Hồ sơ sức khỏe của người cao tuổi phải được người sử dụng lao động quản lý và theo dõi tổng hợp theo quy định của Bộ Y tế.

5. Lương hưu cho người cao tuổi

– Khi người lao động cao tuổi đã đủ tuổi nghỉ hưu và đáp ứng các điều kiện hưởng lương hưu (Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014) sẽ được hưởng chế độ hưu trí (hưởng lương hưu hàng tháng). Khi đó, người lao động cao tuổi không còn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nữa. Vì thế, khi doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi trong trường hợp này không phải đóng các loại bảo hiểm cho người cao tuổi.

– Khi người cao tuổi đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ các điều kiện hưởng lương hưu, doanh nghiệp và người lao động cao tuổi vẫn tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên), đóng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp (nếu giao kết hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên) đến khi người lao động cao tuổi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Qua đó có thể thấy rằng, việc nhận người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp không chỉ giúp cho doanh nghiệp có nhiều giá trị lợi ích về mặt kinh tế cũng như con người mà còn giúp cho người lao động cao tuổi có điều kiện được cống hiến sức lao động cho công việc mà mình đam mê. Tuy nhiên, việc nhận người cao tuổi tiếp tục làm việc, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề như đã phân tích trên.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động 2012.

– Luật bảo hiểm xã hội 2014.

– Nghị định 45/2013/NĐ-CP.

– Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm