Quyền lợi của người lao động nữ mang thai

Lượt xem: 921

Pháp luật hiện hành có rất nhiều quy định hướng tới bảo vệ quyền lợi của lao động nữ mang thai. Những quy định này thể hiện rõ hai khuynh hướng với phụ nữ mang thai đó là bảo vệ và ưu tiên. Và có thể chia thành hai nhóm cơ bản như sau:

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

1.1. Về quyền lợi của phụ nữ mang thai trong lao động

Thứ nhất, lao động nữ mang thai được đặc biệt ưu tiên trong lao động để bảo vệ thai sản. Theo Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 thì:

(i) Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (khoản 1);

(ii) Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương (khoản 2). Ví dụ: Lao động nữ là thủ kho và bảo quản hóa chất phục vụ việc phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Công việc này nặng nhọc và hóa chất ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người mẹ và thai nhi. Trường hợp này, khi mang thai đến tháng 07, lao động nữ được chuyển sang làm một công việc khác nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày;

(iii) Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì mang thai, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động (khoản 3).

Thứ hai, lao động nữ trong thời kỳ mang thai được ưu tiên không bị xử lý kỷ luật lao động (điểm d khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2012). Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, khi hết thời gian mang thai, thời gian nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật lao động. Bởi vì, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng (Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2012). Khi hết thời gian lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì chủ sử dụng lao động được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Thứ ba, trong thời kì mang thai, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động[2]. Theo đó, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Nếu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Nếu không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Lao động nữ mang thai chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật nên vẫn được hưởng đầy đủ các khoản lương và trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, phụ nữ mang thai được ưu tiên trong đào tạo nghề:
– Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ (khoản 5 Điều 153 Bộ luật Lao động năm 2012). Quy định này góp phần bảo vệ phụ nữ mang thai theo nghĩa, khi lao động nữ đã được đào tạo một nghề dự phòng, trong khoảng thời gian mang thai mà công việc họ đang làm không phù hợp với tình hình sức khỏe, họ có thể chuyển sang một công việc khác phụ hợp hơn.
– Trong thời gian thực hiện hợp đồng mà người học nghề có thai, nếu có giấy chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc thực hiện hợp đồng học nghề sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi thì người học nghề được chấm dứt hợp đồng học nghề và được trả lại phần học phí đã đóng của thời gian học còn lại và được bảo lưu kết quả học tập.
Như vậy, các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi trong lao động cho phụ nữ mang thai đã thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước với đối tượng đặc thù này. Điều đó cũng phù hợp với thông lệ quốc bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những chế độ bảo vệ phụ nữ mang thai trong lao động. Theo quy định của pháp luật Đức: “Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú được hưởng chế độ bảo vệ đặc biệt trước các nguy cơ tại vị trí làm việc và trước quyết định sa thải. Những vị trí làm việc được thiết kế để một phụ nữ mang thai có thể làm việc ở đó đương nhiên là cũng phù hợp về mặt sức khỏe đối với những lao động khác. Không được cấm phụ nữ mang thai làm việc nếu điều này đi ngược lại với nguyện vọng của họ”.

1.2. Về chế độ bảo hiểm xã hội cho lao động nữ mang thai

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì trong thời kỳ mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày, trong trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai, không bao gồm ngày nghỉ lễ Tết, nghỉ hàng tuần. Chế độ bảo hiểm xã hội cho lao động nữ nghỉ việc đi khám thai là: Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ đi khám thai tính theo ngày bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. Trong đó, mức hưởng chế độ thai sản được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Nếu đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Để đảm bảo sức khỏe và chuẩn bị tốt cho việc sinh con, nuôi con nhỏ, pháp luật cho phép lao động nữ mang thai có quyền nghỉ thai sản trước sinh. Theo đó, lao động nữ sẽ được nghỉ trước và sau sinh con là 06 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Như vậy, lao động nữ mang thai có quyền nghỉ trước 02 tháng trước khi sinh, thời gian này được khấu trừ vào thời gian nghỉ thai sản (Điều 157 Bộ luật Lao động năm 2012).

Nguồn Tạp chí Tòa án

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm