RỦI RO PHÁP LÝ KHI LÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHÁP LUẬT CÔNG TY CHO NGƯỜI KHÁC

Hùng Phúc VP Luật sư 83 lượt xem Doanh nghiệp, Theo dòng thời sự pháp lý

Hiện nay, vì nhiều lý do như đang là chủ của một doanh nghiệp, hay những lý do khác mà một số người không thể là người đại diện theo pháp luật cho một công ty nên họ chọn cách thuê hoặc nhờ người khác là người đại diện pháp luật cho công ty mà họ thành lập. Nhiều người xem đây là một cơ hội hấp dẫn bởi nghiễm nhiên trở thành chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là mặt tốt của vấn đề, những người đang phân vân hoặc đã đứng tên công ty cho người khác cần lưu ý một số rủi ro sau:


1. Các hoạt động kinh doanh trái phép.

Nhiều đối tượng sử dụng công ty như những vỏ bọc để thực hiện những hoạt động kinh doanh trái phép hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Là người đại diện pháp luật của Công ty chắc chắn có thể bị liên đới cùng chịu trách nhiệm với những vi phạm pháp luật đó. Việc ký tên, đóng dấu vào các giấy tờ, biên bản, hợp đồng sẽ vô cùng nguy hiểm. Nhiều vụ việc mà khi công an phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp thì người chủ thực sự của doanh nghiệp đã bỏ trốn để lại người đứng tên doanh nghiệp cùng những hậu quả pháp lý nặng nề.

2. Nghĩa vụ đối với Công ty

Bỏ qua những rủi ro liên quan đến hoạt động trái pháp luật của doanh nghiệp, nếu đó là một công ty kinh doanh hoàn toàn đúng pháp luật, vẫn còn đó một loại rủi ro đó là trách nhiệm của người quản lý với các cổ đông, thành viên công ty. Điều 60 Luật doanh nghiệp 2014 đã quy định cụ thể các trách nhiệm của các chức danh quản lý trong công ty. Các trách nhiệm đó bao gồm thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, điều lệ và các nghị quyết của công ty …. Trong trường hợp những người quản lý trong Công ty không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình, Điều 161 Luật Doanh Nghiệp 2014 cho phép các chủ sở hữu hay nhóm chủ sở hữu trong doanh nghiệp khởi kiện để yêu cầu những người quản lý đó bồi thường cho công ty.

3. Rủi ro tài chính

Khi được nhờ đứng tên là đại diện pháp luật cũng có thể là thành viên/cổ đông trong một công ty về mặt pháp luật người được nhờ đứng tên sẽ là thành viên của công ty. Rủi ro tài chính ở đây là những người chủ thực sự có thể nhờ đứng tên nhưng không thực hiện nghĩa vụ góp vốn như đã cam kết. Theo nguyên tắc trong trường hợp thành viên/cổ đông không thực hiện góp vốn như cam kết thì những người đó sẽ liên đới chịu trách nhiệm với những nghĩa vụ tài chính của công ty (Khoản 4 Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014). Nhưng trên giấy tờ pháp lý thì người được nhờ đứng tên mới là thành viên/ cổ đông của công ty do đó những người này có thể phải chịu trách nhiệm với những nghĩa vụ tài chính của công ty.

Với tất cả các lý do trên, chúng tôi khuyến nghị những người đã, đang và sẽ đứng tên cho người khác trong một công ty hãy thận trọng khi nhận vai trò của mình.

Luathungphuc.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.