Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất tòan bộ vốn đất quốc gia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất từ các cá nhân, tổ chức vì mục đích phục vụ lợi ích của Nhà nước và xã hội.
1. Thu hồi đất là gì?
Thu hồi quyền sử dụng đất là một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai để phục vụ lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng đất
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
2. Khi nào Nhà nước thu hồi đất?
Theo quy định tại Điều 61, 62, 64, 65 Luật đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
3. Thẩm quyền thu hồi đất
Thẩm quyền thu hồi đất sẽ thuộc về các chủ thể sau đây:
– Căn cứ khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2013 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai 2013;
+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
– Theo khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai 2013 Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
+ Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất (khoản 3 Điều 66 Luật Đất đai 2013).
– Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 52 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Ban Quản lý khu công nghệ cao quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đã cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g, i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013;
+ Thu hồi đất đã cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013.
– Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 53 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý khu kinh tế quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g, i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013;
+ Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013;
-Theo điểm c khoản 4 Điều 55 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, Cảng vụ hàng không quyết định thu hồi đất đối với trường hợp được Cảng vụ hàng không giao đất mà thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g và i khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc