Cái “giá” khi rút BHXH 1 lần khi còn trong độ tuổi lao động – Lợi ít, hại nhiều

Luật Hùng Phúc 37 lượt xem BHXH, Lao động

Qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, có thể thấy “hiện tượng” đáng báo động khi quá nhiều người dân truyền tai nhau đi rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, thậm chí rút khi bản thân vẫn còn đang trong độ tuổi lao động. Điều đáng nói, hành động này Lợi ít Hại nhiều có thể khiến người lao động hối hận khi về già. Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu rút bảo hiểm xã hội 1 lần thiệt thòi như thế nào?

Cái “giá” khi rút BHXH 1 lần khi còn trong độ tuổi lao động – Lợi ít, hại nhiều

1. Người lao động được yêu cầu hưởng BHXH một lần trong các trường hợp sau:

  • Đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH (Chẳng hạn: ít hơn 20 năm);
  • Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;
  • Ra nước ngoài để định cư;
  • Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

2. Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu

  • Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần của người lao động sẽ không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH khác;
  • Không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ về an sinh xã hội;
  • Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền;
  • Phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần (12 tháng);
  • Mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động hoặc đủ điều kiện hưởng nhưng mức hưởng thấp do bị trừ thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.

Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm xã hội đã rút BHXH 1 lần còn mất những quyền lợi khi đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội:

– Được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

– Được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe (hàng tháng quỹ BHXH đóng bằng 4,5% mức lương hưu).

– Thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi qua đời gồm: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất (Trợ cấp tuất một lần mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết. Hoặc trợ cấp tuất hàng tháng với số thân nhân được hưởng tối đa là 04 người, mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở).

Theo BHXH Việt Nam, việc người lao động được hưởng chế độ hưu trí sẽ có nhiều quyền lợi hơn lựa chọn nhận BHXH một lần. Hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.

BHXH Việt Nam khuyến nghị, người lao động khi không lựa chọn hưởng BHXH một lần, có quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Thời gian tới, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH. Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này, sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.