CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH BỆNH COVID-19

Hùng Phúc VP Luật sư 37 lượt xem Doanh nghiệp, Thuế, Tư vấn doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của kinh tế, xã hội, bao gồm cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động, một trong những chính sách hỗ trợ của nhà nước phải kể đến chính sách hỗ trợ về thuế. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, Luật sư xin chia sẻ tới quý bạn đọc “Chính sách hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19.

Chính sách hỗ trợ về thuế

Ngày 03/3/2020 vừa qua, Tổng cục thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó Tổng cục thuế xác định dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp tai nạn bất ngờ, do đó các doanh nghiệp bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 được gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế.

Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất bao gồm:

Một, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các ngành:

+ Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;

+ Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

+ Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.

Hai, doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các ngành:

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

+ Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;

+ Xây dựng.

Ba, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ:

  • Ngành dệt may bao gồm:

Xơ thiên nhiên: Bông, đay, gai, tơ tằm;

Xơ tổng hợp: PE, Viscose;

Sợi dệt kim, sợi dệt thoi; sợi Polyester có độ bền cao, sợi Spandex, nylon có độ bền cao;

Vải: Vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi;

Chỉ may trong ngành dệt may;

Hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải;

Phụ liệu ngành may: Cúc, mex, khóa kéo, băng chun.

  • Ngành Da giày:

Da thuộc;

Vải giả da;

Đế giầy, mũi giày, dây giày;

Hóa chất thuộc da;

Da muối;

Chỉ may giầy;

Keo dán giày, Phụ liệu trang trí như khóa, khoen, móc…

  • Ngành điện tử:

Linh kiện điện tử – quang điện tử cơ bản: Transistor, mạch tích hợp, cảm biến, điện trở, tụ, điôt, ăngten, thyristor;

Linh kiện thạch anh;

Vi mạch điện tử;

Vật liệu sản xuất linh kiện điện tử: Chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm, chất cách điện tích cực;

Linh kiện sản phẩm điện tử: Linh kiện nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ – điện tử, linh kiện kính;

Pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động;

Dây và cáp điện, đèn led, tai nghe điện thoại và loa;

Sạc pin điện thoại;

Màn hình các loại.

  • Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô

Động cơ và chi tiết động cơ: Thân máy, piston, trục khuỷu, thanh truyền, bánh răng, cụm ống xả, xi lanh, cụm đầu xi lanh, trục cam, xéc-măng, van động cơ;

Hệ thống bôi trơn: Bộ lọc dầu, bộ làm mát, bộ tản nhiệt, bơm dầu, các loại van;

Hệ thống làm mát: Bộ tản nhiệt, két nước, quạt gió, van hằng nhiệt, bơm nước;

Hệ thống cung cấp nhiên liệu: Thùng nhiên liệu, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc không khí, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu;

Khung – thân vỏ – cửa xe: Các chi tiết dạng tấm đột dập, sắt xi, thùng xe tải, bậc lên xuống, cụm cửa xe;

Hệ thống treo: Nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn;

Bánh xe: Lốp xe, vành bánh xe bằng hợp kim nhôm;

Hệ thống truyền lực: Ly hợp, hộp số, cầu xe, trục các đăng;

Hệ thống lái;

Hệ thống phanh;

Linh kiện điện – điện tử:

Nguồn điện: Ắc quy, máy phát điện;

Thiết bị đánh lửa: Bugi, cao áp, biến áp;

Rơle khởi động, động cơ điện khởi động;

Dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý.

Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu: Đèn, còi, đồng hồ đo các loại;

Hệ thống xử lý khí thải ô tô;

Linh kiện nhựa cho ô tô;

Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn;

Kính chắn gió, cần gạt nước, ghế xe.

  • Ngành cơ khí chế tạo:

Khuôn mẫu, đồ gá: Khuôn dập, khuôn đúc, đồ gá gia công, đồ gá kiểm tra;

Dụng cụ – dao cắt: Dao tiện, dao phay, mũi khoan;

Linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn;

Linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu;

Linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị chế biến nông lâm thủy sản và muối;

Dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí: Thước đo, máy đo 3 chiều, máy phân tích thành phần kim loại, máy siêu âm mối hàn;

Chi tiết máy: Bu lông cường độ cao, ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập, hộp biến tốc, xi lanh thủy lực;

Thép chế tạo.

  • Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao

Các loại khuôn mẫu: Khuôn mẫu có độ chính xác cao, khuôn đúc nhựa có độ chính xác cao;

Các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao: Các loại đai ốc, bu lông, ốc vít có độ chính xác cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, điện tử y tế, rô bốt công nghiệp;

Các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: Thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời; các loại chíp vi xử lý; các bộ điều khiển (Bộ điều khiển khả trình PLC, bộ điều khiển CNC, …);

Các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo;

Các loại chi tiết nhựa chất lượng cao: Các bộ truyền động chính xác, các chi tiết có độ bền và tuổi thọ cao, chịu nhiệt và chịu mài mòn bằng nhựa;

Cảm biến các loại: Cảm biến khí, cảm biến gia tốc, cảm biến từ trường; cảm biến sinh học, cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, cảm biến ánh sáng, cảm biến áp suất….;

Các loại động cơ thế hệ mới: Động cơ điện, động cơ ổ từ, động cơ servo (động cơ bước), động cơ từ kháng, động cơ tuyến tính;

Các cơ cấu chấp hành có độ chính xác cao./.

+ Sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035:

  • Các loại thiết bị động lực

Các loại động cơ Diezel từ 50 HP trở lên; động cơ Diezel tàu thủy cùng hệ thống hộp số hệ trục và chân vịt công suất 300 HP trở lên; các loại động cơ ô tô đạt tiêu chuẩn tối thiểu EURO 4 từ năm 2018.

  • Các chủng loại xe ô tô

Xe ô tô nông dụng nhỏ đa chức năng;

Xe ô tô chuyên dùng: Xe chở bê tông, xi téc, xe đặc chủng phục vụ an ninh – quốc phòng;

Xe ô tô khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, nội đô từ 10 chỗ ngồi trở lên;

Xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường (xe khách, xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên hoặc sử dụng công nghệ Hybrid hoặc chạy điện).

  • Thiết bị nâng hạ

Cổng trục 30 tấn trở lên, cẩu chân đế từ 30 tấn trở lên, cần trục từ 10 tấn trở lên, cẩu bánh xích từ 50 tấn trở lên, cẩu bánh lốp chân cứng từ 50 tấn trở lên, cẩu trên tàu biển từ 20 tấn trở lên, cẩu tháp từ 5 tấn trở lên; cẩu khung bánh lốp RTGC (Rubber Tyred Gantry Crane) có sức nâng từ 30 tấn trở lên; cẩu bờ chạy ray RMQC (Rail Mounted Quayside Crane) có sức nâng từ 30 tấn trở lên. Cẩu khung chạy ray RMGC (Rail Mounted Gantry Crane) có sức nâng từ 30 tấn trở lên.

  • Thiết bị nhà máy công nghiệp và thiết bị điện

Các thiết bị trong các nhà máy điện bao gồm: Hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống băng tải; máy đánh đống và máy phá đống, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống làm mát tuần hoàn, hệ thống ống khói, trạm phân phối và máy biến áp chính cho nhà máy nhiệt điện, hệ thống cung cấp dầu, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống xử lý nước, xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy; kết cấu thép nhà máy nhiệt điện, bình ngưng cho hệ thống tuabin và thiết bị gia nhiệt cho nhà máy nhiệt điện; lò hơi (Phần áp lực và Phần không áp lực); thiết bị thu hồi nhiệt cho nhà máy nhiệt điện; các loại bình, bồn chứa áp lực cao; các bồn chứa khí hóa lỏng hoặc hóa chất có kích thước lớn; các thiết bị dùng để thay đổi hoạt tính hóa học hay sinh học của một phản ứng trong các công đoạn chiết tách hóa chất và các thiết bị tháp chưng cất của công nghệ lọc hóa dầu; thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho các biển đảo; van; máy bơm phục vụ dầu khí, công nghiệp mỏ, năng lượng; thiết bị năng lượng tái tạo: Năng lượng gió, mặt trời, sinh khối; các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Thiết bị đo lường, máy biến dòng, máy biến áp 110kV – 500kV; máy cắt điện trung áp và cao áp; thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch đến 500kV; chống sét đến 500kV; sứ chuỗi cách điện.

Dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh xử lý tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất công nghiệp

  • Máy kéo và máy nông nghiệp

Các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp; các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp, các kho bảo quản sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp.

  • Sản phẩm kim loại và composite cao cấp dùng trong ngành hàng không.

Bốn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Lĩnh vực Doanh nghiệp nhỏ Doanh nghiệp siêu nhỏ
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng Số lao động tham gia BHXH bình quân ≤ 100 người/năm.

Tổng doanh thu của năm ≤ 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn ≤ 20 tỷ đồng

Số lao động tham gia BHXH bình quân ≤ 10 người/năm.

Tổng doanh thu của năm ≤ 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn ≤ 3 tỷ đồng.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ Số lao động tham gia BHXH bình quân ≤ 50 người/năm.

Tổng doanh thu của năm ≤ 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn ≤ 50 tỷ đồng

Số lao động tham gia BHXH bình quân ≤ 10 người/năm.

Tổng doanh thu của năm ≤ 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn ≤ 3 tỷ đồng.

Năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Lưu ý: các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ khi có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020 đối với các ngành nghề nêu trên.

Mức gia hạn cụ thể:

  • Đối với thuế giá trị gia tăng:

Khoản thuế được gia hạn: thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý).

Doanh nghiệp vẫn phải thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo thời gian quy định nhưng chưa phải nộp tiền thuế giá trị gia tăng phát sinh trên Tờ khai thuế đã kê khai.

Thời gian nộp thuế giá trị gia tăng được gia hạn như sau:

+ Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 9 năm 2020.

+ Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2020.

+ Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2020.

+ Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.

+ Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 1 năm 2020 chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm 2020.

+ Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý 2 năm 2020 chậm nhất là ngày 30 tháng 12 năm 2020.

Các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp thực hiện khai thuế giá trị gia tăng độc lập với doanh nghiệp:

+ Nếu chi nhánh, đơn vị trực thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn: cũng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng.

+ Nếu chi nhánh, đơn vị trực thuộc không hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn: không được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng.

  • Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp:

Khoản thuế được gia hạn:

+ Số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019.

+ Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020.

Thời gian gia hạn: 05 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán của năm 2019 thì doanh nghiệp được điều chỉnh số tiền thuế TNDN đã nộp để nộp cho các loại thuế khác. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh gửi đến cơ quan thuế, bao gồm:

+ Thư tra soát (Mẫu số C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính);

+ Chứng từ nộp thuế hoặc thông tin liên quan đến nội dung điều chỉnh.

Các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp thực hiện khai thuế TNDN độc lập với doanh nghiệp:

+ Nếu chi nhánh, đơn vị trực thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn: cũng được gia hạn nộp thuế TNDN.

+ Nếu chi nhánh, đơn vị trực thuộc không hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn: không được gia hạn nộp thuế TNDN.

  • Đối với tiền thuê đất:

Tiền thuê đất được gia hạn: số tiền thuê đất kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Thời gian gia hạn: 05 tháng kể từ ngày 31/5/2020.

Trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất được quy định như sau:

  • Doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 41/2020 cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/7/2020, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

Trường hợp doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất tại nhiều địa bàn khác nhau thì chỉ cần nộp 01 bản tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp có trách nhiệm sao gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế nơi có đất thuê.

  • Doanh nghiệp phải tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định 41/2020. Nếu doanh nghiệp gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế sau ngày 30/7/2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020.
  • Trường hợp doanh nghiệp được chấp thuận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Cơ quan thuế không có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp biết .

Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định doanh nghiệp không thuộc đối tượng gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020 thì doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.

  • Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, căn cứ Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn (bao gồm cả trường hợp Giấy đề nghị gia hạn gửi cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) chậm nhất là ngày 30/7/2020.

* Căn cứ pháp lý:

  • Công văn số 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 của Tổng cục thuế về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19;
  • Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

                                                                                                                                                      luathungphuc.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.