Chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật

Lượt xem: 424

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Vậy chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp là ai? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tác giả của các đối tượng sở hữu công nghiệp

Các đối tượng sở hữu công nghiệp đều do con người tạo ra nhưng không phải tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp đều được pháp luật thừa nhận là có tác giả.

Trong các đôi tượng sở hữu công nghiệp pháp luật bảo hộ, những đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả gồm: chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh.

Tác giả là người đã sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ được thể hiện dưới dạng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Người sáng tạo ra các đối tượng này là cá nhân bằng lao động có tính sáng tạo tạo ra sản phẩm được pháp luật thừa nhận. Pháp luật quy định ” bằng lao động sáng tạo” nhằm phân biệt hình thức lao động đặc biệt của tác giả với hình thức lao động khác không phải hoạt động sáng tạo (người giúp sức cho tác giả, hỗ trợ kĩ thuật, người thực hiện những công việc theo sự chỉ đạo của tác giả,…)

Đồng tác giả là những người cùng sáng tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Có thể tồn tại hai hay nhiều người độc lập nghiên cứu và ra cùng kết quả, tạo ra một đối tượng nhất định. Trong trường hợp đó, pháp luật ưu tiên bảo vệ người nộp đơn đăng kí đầu tiên (Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên).

Chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật
Chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật

2. Chủ sở hữu của đối tượng sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng.

  • Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

  • Đối với nhãn hiệu

Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.

Lưu ý, Trong trường hợp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được cấp chung cho nhiều tổ chức, cá nhân thì quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung của các tổ chức, cá nhân đó. Các chủ sở hữu chung thực hiện quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự.

  • Đối với tên thương mại

Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.

  • Đối với bí mật kinh doanh

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

  • Đối với chỉ dẫn địa lý

Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.

Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết. Mọi vướng mắc cần giải đáp liên quan đến sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ Hotline: 0982 466 166 để được tiếp nhận tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm