Cưỡng chế thu hồi đất là biện pháp cuối cùng của Nhà nước nhằm buộc người dân thực hiện quyết định thu hồi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Vậy khi nào thì thực hiện cưỡng chế, trình tự thủ tục cưỡng chế thu hồi đất như thế nào? Luật Hùng Phúc sẽ chia sẻ cụ thể tại bài viết dưới đây:
- Căn cứ pháp lý:
+ Luật đất đai 2013
+ Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai.
- Điều kiện thực hiện cưỡng chế thu hồi đất
Tại khoản 2 Điều 71 Luật đất đai quy định về điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất như sau:
“2. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.”
Như vậy, khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới áp dụng biện pháp cưỡng chế. Do đó, nếu bạn không chấp hành quyết định thu hồi đất thì UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã và các cơ quan tổ chức nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ đến vận động, thuyết phục chấp hành thu hồi đất. Sau đó nếu vẫn tiếp tục không chấp hành quyết định thu hồi, cơ quan nhà nước sẽ ra quyết định cưỡng chế và niêm yết tại UBND xã. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành khi bạn nhận được quyết định, nếu vẫn tiếp tục từ chối hoặc vắng mặt khi giao quyết định thì UBND xã sẽ lập biên bản
- Trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất
Bước 1: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm:
– Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban;
– Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Bước 2: Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế
– Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
– Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Bước 3: Tổ chức thực hiện cưỡng chế
– Buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế;
– Nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
– Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của chúng tôi. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
—
- Địa chỉ: Số 89 đường Trần Phú, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
- Mail: vplshungphuc@gmail.com
- Hotline: 0979 80 1111/ 0211 388 1588
- Fanpage: Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc