Hai kết luận ‘bất nhất’ trong một vụ án có dấu hiệu oan sai ở Tuyên Quang

Chứng cứ, nội dung cáo buộc bị cáo trong hai bản kết luận điều tra giống nhau đến từng câu chữ. Nhưng CQĐT lại đưa ra hai kiểu kết luận trái ngược: Chưa đủ và đã đủ kết tội.

 

Trần Văn Tư diễn tả lại quả trình xảy ra vụ xô xát.

Hai bản kết luận một vô tội, một có tội
Ngày 10/9/2013, Trần Minh Tư (SN 1976, ngụ thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” cho ông Thăng Minh Quang (SN 1975, thôn Hoàng La 1, xã Ninh Lai). Phiên sơ thẩm, ngày 26/12/2013 của TAND huyện Sơn Dương và phiên phúc thẩm ngày 21/3/2014 của TAND tỉnh Tuyên Quang xét xử vụ án và đều tuyên Tư 6 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tư bị bắt tạm giam từ ngày 12/9/2013. Nhưng sau đó, trước nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ, TAND Tối cao có Kháng nghị số 28/2015/HS-TK, sau đó Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra lại theo thủ tục chung. Ngày 23/2/2016, VKSND huyện Sơn Dương có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho Tư được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, điều khó hiểu xảy ra tại bản Kết luận điều tra (KLĐT) lại vụ án hình sự số 01/KLĐT ngày 24/6/2017 và bản KLĐT số 22/KLĐT ngày 26/2/2018 của CQĐT Công an huyện Sơn Dương. KLĐT số 01 và số 22 có cùng nội dung nhưng lại đưa ra hai kiểu kết luận khác nhau: Số 01 nói chưa đủ căn cứ kết luận Tư có tội; Số 22 lại nói có đủ căn cứ kết luận Tư có tội.
Hai bản KLĐT có cùng nội dung như sau: Sáng ngày 14/6/2013, bố ông Quang ngụ tại Thôn Cây Đa 1 đào móng xây tường bao quanh nhà, nhờ ông Quang đến làm hộ. Trong khi đào móng, ông Quang có nhổ cỏ voi được trồng ở bờ đất ranh giới với và gia đình Tư.
Đến khoảng 17h30 cùng ngày, vợ Tư đi làm về, thấy cỏ voi nhà mình bị nhổ nên giữa bà và ông Quang xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, Tư từ trong nhà chạy ra cãi nhau với ông Quang. Ông Quang tay trái cầm chiếc xẻng, tay phải chỉ vào mặt Tư nói: “Cái loại mày tao cho một nhát mày chết rồi”.
Tiếp đó, ông Quang xông đến, dùng tay phải đấm hai phát vào mặt Tư. Tư cúi xuống ven đường nhặt ba hòn đá ném về phía ông Quang, trong đó có một phát trúng vào sau đầu ông Quang.
Tư chạy đến giằng lấy chiếc xẻng ông Quang đang cầm. Ông Quang ngã xuống đường. Tư dùng cán xẻng chọc về phía mặt của ông Quang thì được cha ông Quang giằng lấy chiếc xẻng. Tư bỏ xẻng lại và đi về.
Ông Quang được đưa cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 14/6/2013 đến ngày 20/6/2013, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang, ngày 28/6/2013 xuất viện.
Cả hai bản KLĐT đều dựa vào Kết luận giám định số 168/2013TgT ngày 13/8/2013 của Trung tâm Pháp y tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, thương tích nặng nhất là “gãy xương hàm dưới, trật khớp thái dương hàm trái, sai khớp cắn, khít hàm. Tổng thương tích của ông Quang là 46% tạm thời.
Ngoài ra, trước khi ra KLĐT số 22, Cơ quan CSĐT đã cho trưng cầu giám định lại thương tích tại Viện Pháp y Quốc gia. Kết quả thương tích của ông Quang thời điểm hiện tại là 12% nhưng Cơ quan CSĐT không sử dụng kết quả này.
KLĐT số 01, CQĐT huyện Sơn Dương nêu rõ: “Các thương tích của Thăng Minh Quang, gồm: Vùng chẩm có sẹo hình chữ S; nhiều sẹo nhỏ ở dưới xương đòn trái, vùng ngực hai bên; gãy xương hàm dưới, trật khớp thái dương hàm trái, sai khớp cắn, khít hàm, theo các kết luận giám định nêu trên, CQĐT huyện Sơn Dương đã tiến hành điều tra, xác minh, nhưng thấy không có đủ căn cứ kết luận các thương tích nêu trên là do Trần Minh Tư gây nên. Vì vậy, không đủ căn cứ xác định Trần Minh Tư phạm tội Cố ý gây thương tích”. Cùng ngày, CQĐT huyện Sơn Dương có quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Sáu tháng sau, ngày 20/12/2017, CQĐT huyện Sơn Dương bất ngờ có quyết định phục hồi điều tra do có đơn của bị hại Quang.
Điều đáng nói, mặc dù nội dung vụ án và các chứng cứ không có gì mới, CQĐT huyện Sơn Dương cũng không chứng minh được gì thêm nhưng lại “quay ngoắt” 180 độ để kết luận: “Có đủ cơ sở kết luận: bị can Tư có hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác… hành vi của Tư phạm tội Cố ý gây thương tích cho người khác”.

Kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm hủy án sơ, phúc thẩm.

Điểm bất thường trong vấn đề phát hiện thương tích
Các tài liệu trong bệnh án tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang đều cho thấy: ông Quang nhập viện điều trị với kết luận “chấn động não”; cả hai bệnh án đều không thể hiện y lệnh điều trị vùng răng, hàm, mặt của ông Quang; hồ sơ không có phim chụp thương tích vùng răng, hàm, mặt. Do vậy, các tài liệu trong bệnh án của các bệnh viện chưa cho thấy ông Quang bị gãy xương hàm dưới.
Cụ thể, tại bệnh án của Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang thể hiện: “Về khám răng, hàm, mặt: qua thăm khám sơ bộ, chưa phát hiện về bệnh lý”. Ông Quang điều trị đến ngày 28/6/2013 thì được xuất viện, với kết luận trong bệnh án là: “Bệnh nhân đã khỏi”.
Thế nhưng, ngày 3/7/2013 tức sau 19 ngày xảy ra vụ xô xát, ông Quang bất ngờ nhập viện “cấp cứu” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với chẩn đoán và kết quả chụp CT “gãy xương hàm dưới vùng cằm”. Vết thương xuất hiện sau 19 ngày này là vết thương chính tạo ra thương tích 46% tạm thời mà Trung tâm Pháp y tỉnh Tuyên Quang kết luận để CQĐT huyện Sơn Dương kết tội Tư.
Trao đổi với một số bác sĩ chuyên ngành đều cho rằng, gãy xương hàm dưới là tổn thương cấp tính nên dấu hiệu bệnh lý sẽ bộc lộ ngay sau khi bị gãy. Bản Kết luận giám định pháp y số 18/17/TgT của Viện Pháp y Quốc gia cũng khẳng định: “Nếu xương hàm bị gãy kín thì động tác ăn nhai khó”.
Ngoài ra, bản kết luận pháp y của Trung tâm Pháp y Tuyên Quang còn ghi nhận tình trạng lâm sàng vùng răng hàm mặt của ông Quang: “Xương hàm dưới bị đẩy lệnh sang bên phải, khớp cắn lệch hoàn toàn, khớp thái dương hàm trái rỗng, cứng khớp hàm miệng há rộng dưới 1cm”.
Một người bình thường với tình trạng như trên khó có khả năng nói và ăn nhai bình thường. Thế nhưng, theo xác minh tại Trạm y tế xã Ninh Lai và các bệnh viện từ 14/6/2013 đến 28/6/2013 khi xuất viện, ông Quang vẫn có khả năng nói chuyện, ăn uống bình thường. Chỉ số glassgow vẫn ở thang tối đa (14-15).
Kháng nghị của TAND Tối cao cũng nêu: “Tại bệnh án của BV Tuyên Quang cho thấy ông Quang nhập viện tỉnh táo, giao tiếp tốt, trong quá trình điều trị ông Quang ăn cơm. Tại bệnh án BV Vĩnh Phúc cho thấy: trong quá trình điều trị ông Quang ăn cháo, ăn cơm; tại phiếu kết quả chụp CT mặt cho thấy ông Quang không bị trật khớp thái dương hàm trái, không thấy di lệch bất thường; điều này phù hợp với lời khai của các nhân chứng”.
Ngoài điểm bất thường về thương tích gãy xương hàm dưới như đã nói ở trên, trên người ông Quang có những vết thương khác nhưng thời điểm hình thành, lý do, cơ chế gây ra các thương tích này cũng đều chưa được cơ quan điều tra làm rõ.
Cụ thể, đối với thương tích vùng chẩm có 1 sẹo hình chữ S dài 4cm, bờ mép nham nhở, sẹo màu hồng, phẳng, sờ nắn còn đau, các vết sẹo nhỏ ở dưới xương đòn trái, vùng ngực mà ông Quang đều khai do bị Tư đánh bằng cán xẻng. Thế nhưng, sổ theo dõi của Trạm y tế xã, bệnh án BV Đa khoa Tuyên Quang và BV Công an Tuyên Quang đều không thể hiện những thương tích này.
Về phần Tư, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Tư không thừa nhận gây ra thương tích ở vùng ngực, vùng cằm do đã có người can ngăn giằng lại hung khí. Tư chỉ thừa nhận có ném đá khiến ông Quang bị thương ở vùng đầu.
Bản thân bị hại cũng khai báo không thống nhất, có lúc khai bị ném đá vào đầu bị ngất, không biết sự việc xảy ra tiếp theo, chỉ nghe gia đình kể lại việc Tư dùng cán xẻng chọc vào người gây thương tích. Có lúc lại khai bị ném đá vào đầu, sau đó bị Tư chọc cán xẻng vào người bị ngất đi.
Lời khai của những người làm chứng là ông Thăng Văn Chân (bố đẻ bị hại), Thăng Văn Tư, Thăng Quang Vinh (đều là anh, em ruột của bị hại) khai Tư dùng xẻng chọc 2 – 3 nhát vào trúng người bị hại. Tuy nhiên, người làm chứng là anh Thăng Minh Đăng (hàng xóm) lại khai Tư dùng xẻng chọc vào người bị hại khoảng 3 nhát nhưng không trúng vì bị ông Chân ngăn cản, xô đẩy.
Nhưng như đã chỉ ra ở trên, hồ sơ vụ án có rất nhiều điểm không phù hợp, thậm chí phi lý, mâu thuẫn.
“Dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn, những thương tích của Thăng Minh Quang xuất hiện sau và không xuất phát từ sự việc va chạm với Trần Minh Tư xảy ra ngày 14/6/2013. Việc cố tình truy tố khi chưa đủ căn cứ khiến cho vụ án có dấu hiệu oan sai rất rõ”, luật sư Lâm Quang Ngọc (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) nhận định.

Lê Tiến Phong
Theo Báo Mới

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.