Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Luật Đất đai 2013 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Vậy quyền thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định cụ thể như thế nào?
Khái niệm “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài”
Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.
Quy định pháp luật về quyền thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở 2014, điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở khi nhận thừa kế đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm:
– Phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam
– Có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
Luật Đất đai 2013 quy định tại khoản 1 Điều 186: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.
Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
– Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
– Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
– Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.
Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài thừa kế quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam sẽ giải quyết theo một trong hai trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đủ điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Trường hợp này người nhận thừa kế sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trường hợp thứ hai:
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đủ điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thừa kế quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không đủ điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc thừa kế quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
Trường hợp này người nhận thừa kế chỉ được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất bằng tiền, hoặc thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho đối tượng có đủ điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của chúng tôi. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
- Địa chỉ: Số 89 đường Trần Phú, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
- Mail: vplshungphuc@gmail.com
- Hotline: 0979 80 1111/ 0211 388 1588
- Fanpage: Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc