Sau ly hôn, cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu thay đổi mà số tiền nuôi con có thể tăng lên. Vậy cha/ mẹ có quyền yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng không?
1.Có được yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng nuôi con không?
Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng cụ thể, không có giới hạn của số tiền phải cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng tùy thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng và cả nhu cầu thiết yếu của con.
Điều này có nghĩa là, khi thu nhập của người phải cấp dưỡng tăng hoặc nhu cầu thiết yếu của con – người được cấp dưỡng tăng thì mức cấp dưỡng có thể được điều chỉnh tăng theo.
2. Cần làm gì để được tăng tiền cấp dưỡng?
Có 02 cách để yêu cầu được tăng mức cấp dưỡng nuôi con khi đã giải quyết xong việc ly hôn:
Cách 1: Thỏa thuận với người cấp dưỡng về việc tăng tiền cấp dưỡng nuôi con.
Cách 2: Nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết (theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Để được tăng tiền cấp dưỡng nuôi con thì người đang nuôi dưỡng trực tiếp phải có lý do chính đáng. Ví dụ như: Chi phí tối thiểu cho sinh hoạt, học tập của con đã tăng lên và khả năng thực tế của người đang nuôi con khó đáp ứng được; Thu nhập của người phải cấp dưỡng tăng lên đáng kể… Người có yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng phải cung cấp cho Tòa án những chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó.
Nếu được Tòa án xem xét và chấp nhận thì mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Thực tế, việc tự thỏa thuận tăng tiền cấp dưỡng là không dễ dàng, thậm chí nhiều trường hợp việc cấp dưỡng theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án còn không được thi hành đầy đủ.
Trường hợp bản án, quyết định giải quyết việc ly hôn, việc nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người phải cấp dưỡng không tự nguyện thi hành án đầy đủ (cấp dưỡng nuôi con) thì bên nhận cấp dưỡng có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đối với phần cấp dưỡng nuôi con trong bản án, quyết định đó. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự.
Tài liệu gửi kèm theo Đơn khởi kiện yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng thường gồm:
– Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho ly hôn;
– Bản sao sổ hộ khẩu hoặc CMND;
– Giấy tờ chứng minh về thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có);
– Giấy tờ chứng minh về chi phí tối thiểu cho sinh hoạt, học tập của con đã tăng lên, khả năng thực tế của người đang nuôi con khó đáp ứng được (nếu có).
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc