Từ 01/01/2019, Doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật lao động

Lượt xem: 841

Ngày 17/10/2018, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp. Thông tư này hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện việc tự kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức đại diện tập thể người lao động và cơ quan thanh tra lao động.

1. Thời gian tổ chức kiểm tra

Doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.

Thời gian kiểm tra cụ thể sẽ do doanh nghiệp tự do quyết định.

Thời kỳ tự kiểm tra từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.

2. Nội dung tự kiểm tra

Doanh nghiệp tổ chức tự kiểm tra theo những nội dung sau đây:

– Việc thực hiện báo cáo định kỳ;

– Việc tuyển dụng và đào tạo lao động;

– Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động;

– Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể;

– Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi;

– Việc trả lương cho người lao động;

– Việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động;

– Việc thực hiện quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, lao động là người nước ngoài;

– Việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất;

– Việc tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hằng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia;

– Việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động;

– Nội dung khác mà người sử dụng lao động thấy cần thiết.

Những nội dung này sẽ được thiết kế thành phiếu tự kiểm tra theo từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đăng trên cổng thông tin điện tử.

Người sử dụng lao động căn cứ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của mình mà chọn một phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra.

Để thực hiện tốt các công việc về lao động, Quý thành viên có thể tham khảo và thực hiện theo những công việc sau đây:

– Lao động – Tiền lương.

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Tiến hành kiểm tra

Doanh nghiệp phải lập kế hoạch tự kiểm tra, sau đó căn cứ vào thời gian và kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp thành lập đoàn kiểm tra đồng thời đăng ký tài khoản trên cổng thông tin điện tử (tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn) để lấy phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra.

Đoàn kiểm tra bao gồm: đại diện doanh nghiệp làm trưởng đoàn, thành viên đoàn là cán bộ lao động, tiền lương, cán bộ an toàn, vệ sinh lao động, đại diện người lao động và các thành phần khác có liên quan do doanh nghiệp tự quyết định.

Đoàn tự kiểm tra tiến hành đối chiếu với các quy định pháp luật lao động hiện hành tương ứng theo từng nội dung kiểm tra để phân tích, so sánh và kết luận doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật lao động hay không và đưa ra những biện pháp khắc phục với những nội dung không tuân thủ (nếu có). Mẫu kết luận kiểm tra được đăng trên cổng thông tin và cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi của pháp luật lao động.

Hồ sơ tự kiểm tra bao gồm:

Tên hồ sơ

Ghi chú

Phiếu tự kiểm tra Mẫu lấy từ cổng thông tin
Kết luận tự kiểm tra Mẫu lấy từ cổng thông tin
Văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra Mẫu doanh nghiệp tự xây dựng
Các tài liệu và hồ sơ phát sinh trong quá trình tự kiểm tra  

Những hồ sơ này phải được lưu trữ trong hồ sơ quản lý tại doanh nghiệp để làm căn cứ theo dõi, phân tích và đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm nâng cao tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp.

4. Báo cáo kết quả tự kiểm tra

Sau khi tiến hành quá trình tự kiểm tra và có kết quả tự kiểm tra thì không bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo kết quả tự kiểm tra.

Doanh nghiệp và đại diện tập thể người lao động chỉ phối hợp với nhau để báo cáo kết quả tự kiểm tra khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra lao động.

Quá trình báo cáo được thực hiện qua cổng thông tin điện tử: tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn.

Cơ sở sử dụng lao động bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị thi công phải báo cáo tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến với cơ quan quản lý trực tiếp và với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh & Xã hội nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị thi công đang hoạt động.

Căn cứ pháp lý:

Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm