TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CẦN NHỮNG THỦ TỤC GÌ ?

Lượt xem: 765

Hiện nay, không ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Việc tuyển dụng này không thể tiến hành tùy tiện mà đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau.

TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CẦN NHỮNG THỦ TỤC GÌ ?

Doanh nghiệp chỉ được tuyển dụng người lao động là công dân nước ngoài (sau đây gọi tắt là “NLĐNN”) vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Sau khi xét thấy nhu cầu sử dụng NLĐNN của mình phù hợp với điều kiện nêu trên, doanh nghiệp tiến hành tuần tự và đầy đủ các thủ tục sau đây:

Bước 1: Báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN

Doanh nghiệp báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng NLĐNN với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi NLĐNN dự kiến làm việc trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN.

Trường hợp NLĐNN thuộc các đối tượng dưới đây thì doanh nghiệp không phải thực hiện bước này:

– Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam;

– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ;

– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được;

– Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

– Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm;

– Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam;

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên.

Bước 2: Đề nghị cấp Giấy phép lao động hoặc Giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động

NLĐNN vào làm việc tại Việt Nam thì phải có Giấy phép lao động; trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

– Đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép lao động

Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày NLĐNN dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi NLĐNN dự kiến làm việc

– Đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi NLĐNN dự kiến làm việc.

Bước 3: Đề nghị cấp thị thực cho NLĐNN nhập cảnh vào Việt Nam

Sau khi đã nhận được Giấy phép lao động hoặc Giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì doanh nghiệp gửi hồ sơ thông báo về việc bảo lãnh cấp thị thực vào Việt Nam với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Việc thông báo này thực hiện khi lần đầu doanh nghiệp có phát sinh nhu cầu bảo lãnh cho NLĐNN và chỉ khi có sự thay đổi thông tin đã thông báo nêu trên thì mới thực hiện thông báo lại để cập nhật, bổ sung.

Đồng thời, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị cấp thị thực cho NLĐNN đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Nếu NLĐNN đó xuất phát từ nước không có cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam hoặc trước khi đến Việt Nam phải đi qua nhiều nước, thì doanh nghiệp có thể đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, doanh nghiệp thông báo cho NLĐNN để họ làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu, căn cứ theo nội dung ghi trong văn bản trả lời của Cục.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao động 2012.

– Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

– Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

– Nghị định 140/2018/NĐ-CP.

– Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm