VỤ ÁN CÓ DẤU HIỆU OAN SAI TẠI VĨNH PHÚC

Lượt xem: 2450

Bài 1 – Một vụ án có dấu hiệu oan sai ở Vĩnh Phúc: Bị cáo đồng loạt phản cung

(PL+) – Cả bị cáo lẫn nhân chứng đều đồng loạt phản cung tại phiên tòa sơ thẩm, tố cáo bị bức cung, khai nhận theo ý chí của cơ quan điều tra,…

Một vụ án có dấu hiệu oan sai ở Vĩnh Phúc: Chứng cứ “có vấn đề”, không chứng minh được hành vi phạm tội

Vĩnh Phúc: Bắt xã hủy hợp đồng với dân, đàn lợn hơn 10 nghìn con “hết lối thoát”

Các bị cáo đồng loạt phản cung tại phiên tòa sơ thẩm

Trước tòa, các bị cáo bất ngờ đồng loạt phản cung, kêu oan, tố cơ quan điều tra ép cung, bức cung để nhận tội trong một vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Điều đáng nói theo kết quả giám định của Viện pháp y Quốc gia, nạn nhân được xác định tử vong do bệnh lý chú không phải do thương tích. Những “điểm mờ” này rất cần được HĐXX cấp phúc thẩm làm rõ.

Đánh hội đồng chết người?

Vụ án được tóm tắt theo cáo trạng số 40/KSĐT- TA ngày 4/7/2017 do VKSND TX Phúc Yên truy tố như sau:

Do mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội nên khoảng 15h ngày 12/4/2016, Nguyễn Quang Sự (SN 1999, trú ở TT.Gia Khánh, huyện Bình Xuyên) đã rủ Trần Quỳnh Anh (SN 1994, trú ở xã Bá Hiến), Đặng Văn Ngọc (SN 1997), Đặng Văn Hoàng (SN 1997), đều trú tại xã Thiện Kế,huyện Bình Xuyên,  Phan Văn Chiến (SN 1993, trú xã Trung Mỹ), Nguyễn Văn Thắng (SN 1995), Nguyễn Văn Soi (SN 1997), đều trú xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, đồng ý tới đánh Nguyễn Văn Quân (SN 1997, trú xã Sơn Lôi) đang ở khu vực bờ hồ Đại Lải.

Tại đây, Sự là người cố tình tìm cớ gây sự đánh nhau trước với Quân. Lúc này, có Nguyễn Văn Tuyên (SN 1999, trú tại Sơn Lôi, Bình Xuyên) là một trong hai người bạn đi cùng Quân có phản kháng lại thì bị cả nhóm 7 người trên đánh hội đồng. Quân và người bạn còn lại bỏ chạy được nên không bị thương tích.

Trong quá trình gây án, Sự nhặt một hòn đá kích thước 7x10cm đập một nhát vào đầu bên phải làm Tuyên bất tỉnh, chảy máu vùng đầu. Sau đó, Sự vứt hòn đá xuống hồ Đại Lải. Sau đó, cả nhóm ra về.

Nạn nhân Tuyên bị thương tích rồi dẫn tới hôn mê, đã được điều trị ở một số bệnh viện ở Vĩnh Phúc và Hà Nội nhưng đến ngày 16/10/2016 thì tử vong – sau hơn 6 tháng xảy ra sự việc.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TX Phúc Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng nêu trên để điều tra và bị đề nghị truy tố theo khoản 3, điều 104, BLHS 1999, về tội: “Cố ý gây thương tích”. Riêng trường hợp của Đặng Văn Hoàng do đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã có quyết định tách vụ án hình sự xử lý sau.

Bị cáo đồng loạt phản cung

Vào các ngày 25 và 26/9/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân TX Phúc Yên đã đưa vụ án nêu trên ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa xuất hiện nhiều tình tiết bất thường, các bị cáo Sự, Chiến, Thắng và Ngọc đồng loạt phản cung, khai bị ép phải nhận tội, quá trình điều tra có nhiều dấu hiệu không khách quan dẫn tới oan sai, phải đợi đến ngày tòa ra xét xử công khai các bị cáo mới có cơ hội nói sự thật. Đồng thời, các bị cáo cho rằng bị  truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích” là không có căn cứ.

Vì thế, lời khai báo của các bị cáo tại cơ quan điều tra và tại tòa có sự thay đổi, xuất hiện những điểm mâu thuẫn không thống nhất dẫn tới việc khó xác định lời khai nào có giá trị chứng minh.

Đối với bị cáo Nguyễn Quang Sự khai ban đầu tại cơ quan điều tra không tham gia đánh nhau, chỉ chứng kiến sự việc nói trên (được thể hiện tại bản tự khai ngày 25/4). Nhưng tại đơn đầu thú ngày 23/9/2016, và các biên bản ghi lời khai tiếp theo lại nhận rằng có hành vi đánh anh Tuyên.

Sau đó, từ ngày 19/10/2016, khi có luật sư bào chữa tham gia lấy lời khai Sự đã phủ nhận toàn bộ nội dung những lời khai trước. Tại tòa án sơ thẩm công khai, một lần nữa Sự phản cung phủ nhận hoàn toàn việc tham gia đánh Tuyên.

Trường hợp của Sự là người chưa thành niên nhưng cơ quan điều tra đã không tuân thủ quy định của pháp luật là buộc phải có người giám hộ khi tiến hành các thủ tục hỏi cung, xét hỏi.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sự và người giám hộ là mẹ bị cáo, bà Đặng Thị Yên (SN 1977) cáo khẳng định tại thời điểm viết đơn đầu thú và biên bản lời khai ngày 23/9/2016, không có sự chứng kiến tham gia của bà Yên. Chữ ký của bà Yên do điều tra viên ký bổ sung sau khi đã kết thúc buổi làm việc.

Do đó, có thể khẳng định những bản lời khai trên là vi phạm pháp luật và không có giá trị chứng minh

Vì vậy, khi có mặt của luật sư bào chữa, đặc biệt tại phiên tòa sơ thẩm công khai, bị cáo Sự khẳng định mình bị oan, lý do thay đổi lời khai vì trước đây là do sự ép buộc của cán bộ điều tra.

Bị cáo Nguyễn Văn Thắng tại phiên tòa công khai liên tục kêu oan, trong quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo khai không biết vụ việc gây thương tích cho anh Tuyên nhưng bị đánh sưng tím chân tay, ép phải nhận tội. Do không chịu được đòn đau nên phải nhận tội và viết theo hướng dẫn…

Tương tự, bị cáo Phan Văn Chiến và Đặng Văn Ngọc cũng đồng loạt phản cung cho biết, bị bức cung ép viết vào những bản khai theo sự hướng dẫn của cán bộ điều tra. Do sợ bị dùng nhục hình  nên âm thầm làm theo đợi đến ngày ra tòa xét xử công khai mới dám nói lên sự thật.

Lời khai nhân chứng cũng bị bóp méo?

Trong vụ án này, theo truy tố của VKS cho thấy các bị cáo trước khi gây án đã có liên hệ với nhau bằng điện thoại di động, nhưng khi cơ quan điều tra thu hồi để trích xuất dữ liệu điện tử nhưng không chứng minh được các bị cáo đã liên lạc cho nhau như trên.

Đồng thời, những người thân của bị cáo Thắng, Chiến, Ngọc lại khẳng định những bị cáo này có bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, tình tiết này đã không được cơ quan điều tra “lưu tâm” làm rõ trong quá trình điều tra. Đây có thể là một thiếu sót dẫn tới việc chứng minh tội phạm chưa thuyết phục.

Trong khi đó, lời khai của những người làm chứng cũng mâu thuẫn, thiếu cơ sở khẳng định lời khai nào là trung thực có giá trị chứng minh.

Trong vụ án này, Nguyễn Văn Quân là nhân chứng quan trọng vì có mâu thuẫn từ trước và chứng kiến toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, lời khai của Quân cũng có nhiều điểm mâu thuẫn không thống nhất.

Cụ thể, ngay sau khi xảy ra sự việc, Quân khai tại cơ quan điều tra “nhóm thanh niên đánh Tuyên gồm 4 người và không biết ai trong nhóm đó”; “ngoài nhóm thanh niên gây thương tích còn có 4 bạn nữ đứng chơi trước đó và anh Nguyễn Quang Sự vẫn đang đứng đó” (lời khai ngày 21/4/2016).

Quân khẳng định Sự không đánh gây thương tích cho Tuyên. Đến này 25/8/2016, tại bản khai khác Quân vẫn khẳng định: “trong những người có mặt ở nơi xảy ra sự việc thì tôi có biết mặt nam thanh niên tên là Nguyễn Quang Sự, nhưng anh Sự chỉ đứng ở trên không xuống đánh chúng tôi”.

Theo tư duy logic và tâm lý thông thường thì đây là những lời khai đầu tiên, gần với thời điểm xảy ra vụ việc.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là những bản lời khai về sau Quân lại khai đối lập hoàn toàn với nội dung trước đây, cho rằng những bị cáo nói trên đều tham gia và đánh Tuyên.

Tại lời khai (ngày 18/5/2017), Quân có đưa ra lời giải thích: “có sự thay đổi lời khai là do trước đây nhớ nhầm, lời khai hôm nay mới là sự thật”?.  Còn tại phiên tòa sơ thẩm, Quân lại vắng mặt nên không được xét hỏi để làm rõ thêm những mâu thuẫn trong vụ án.

Một nhân chứng quan trọng khác là Triệu Thị Lan (SN 1997, Lục Yên, tỉnh Yên Bái) trong nhóm 4 người đi chụp ảnh cùng với Sự, trực tiếp chứng kiến sự việc.

Trong lời khai ban đầu, thể hiện Lan cùng Sự và 3 người bạn khác lên hồ Đại Lải chơi, chứng kiến một nhóm thanh niên đánh Tuyên nhưng không biết ai trong số đó.

Thế nhưng sau đó, tại bản lời khai 24/9/2016, Lan khai nhóm thanh niên đánh Tuyên có cả Sự.

Đặc biệt, trong quá trình giải quyết vụ án, chị Triệu Thị Lan đã có đơn thư phản ánh, tố cáo về sai  phạm của cán bộ điều tra đã ép phải khai theo sự hướng dẫn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, một lần nữa, Lan lại thay đổi lời khai cho biết, bị cáo Sự không tham gia đánh Tuyên. Lý do thay đổi bởi trước kia bị hù dọa ép buộc khai báo theo sự hướng dẫn của cán bộ điều tra.

Chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng

Cần nói thêm rằng, hoạt động thu thập chứng cứ, nghĩa vụ chứng minh là những chế định lớn, quan trọng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) trước đây và được kế thừa trong Bộ luật TTHS 2015 (Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).

Cụ thể, Điều 15 Bộ luật TTHS 2015 quy định rất rõ:

“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.

Như vậy, có thể thấy, việc xác định sự thật của vụ án là một nguyên tắc xuyên suốt của quá trình tố tụng hình sự. Các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cũng đều để làm rõ nội dung này. Nhưng trên đời này thì sự thật thì chỉ có một, không thể có việc, tại 1 thời gian, địa điểm lại đồng thời xảy ra việc “đánh” và “không đánh” cũng như không thể có việc một con người nhưng lại “phân thân” xuất hiện được ở hai nơi?!

Việc các bị cáo, nhân chứng phản cung, lời khai mâu thuẫn đã cho thấy rõ ràng có sự không bình thường trong quá trình điều tra, sự thật của vụ án chưa được làm sáng tỏ. Có hay không việc đánh đập, bức cung như nội dung tố cáo là điều cần được làm rõ?

Tại phiên thảo luận sáng 7/11/2017, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã khẳng định, án oan sai là vấn đề hết sức nghiêm trọng vì hậu quả không dễ và thậm chí là không thể khắc phục. Án oan sai không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, cuộc sống của cá nhân đó mà còn ảnh hưởng tới cả dòng họ, quê hương, nên cần xử lý quyết liệt.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, khó có thể tránh được hết các án oan sai, nhưng cái chính là thấy sai phải dũng cảm sửa, xử lý, khắc phục, không để oan sai nữa.

Mong rằng những tâm tư, chỉ đạo của người đứng đầu ngành kiểm sát sẽ thấu đến các cán bộ tiến hành tố tụng trong vụ án này để xử lý vụ án thật sự công minh, khách quan, làm sáng tỏ sự thật khách quan, kiên quyết không để xảy ra oan sai, kết tội oan.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm