MẠO NHẬN DANH TÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỂ KÊU GỌI TỪ THIỆN CÓ PHẠM TỘI KHÔNG?

Lượt xem: 595

Thời gian gần đây, những hành vi phạm tội được thực hiện thông qua mạng xã hội hay còn gọi là tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam đang xuất hiện ngày càng phổ biến và không ngừng gia tăng.

Trong quá trình hành nghề, các Luật Sư thuộc Công ty Luật Hùng Phúc đã nhận được không ít những yêu cầu tư vấn của khách hàng về vấn đề bị kẻ xấu mạo nhận danh tính, hình ảnh cá nhân của họ trên mạng xã hội để sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

MẠO NHẬN DANH TÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỂ KÊU GỌI TỪ THIỆN CÓ PHẠM TỘI KHÔNG?
                                  Mạo nhận danh tính của người khác để kêu gọi từ thiện

Vậy hành vi trên về khoa học pháp lý có phạm tội hình sự không? Và những đối tượng thực hiện hành vi đó sẽ phải đối diện với mức xử phạt nào? Về vấn đề này, Luật Hùng Phúc xin được phân tích như sau:

Thông qua mô tả của khách hàng – là những người bị hại, có thể thấy các đối tượng thực hiện hành vi này thường có thủ đoạn là mạo nhận danh tính, hình ảnh của một cá nhân cụ thể, lập ra các tài khoản facebook giả “giống hệt” tài khoản chính chủ, sau đó đăng lên các bài viết với nội dung kêu gọi cộng đồng mạng quyên góp, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo… Đặc biệt, chúng công khai số tài khoản ngân hàng để nhận tiền quyên góp. Tuy nhiên, những tài khoản facebook mà chúng lập ra hoàn toàn là giả, một phần hoặc toàn bộ thông tin cung cấp trong bài viết đều sai sự thật và khi nhận được tiền từ những tấm lòng hảo tâm, chúng thường chiếm đoạt luôn mà không sử dụng vào mục đích từ thiện như đã hứa hẹn.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, hành vi giả danh người khác để quyên góp, kêu gọi ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật… với những thông tin giả dối, nhằm mục đích lừa đảo đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả mà sẽ bị xử lý khác nhau. (Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Theo đó, đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tùy từng hành vi cụ thể, mức độ, đối tượng vi phạm có thể đối diện với những mức xử lý hành chính hoặc hình sự (khi đủ yếu tố cấu thành) như sau:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

  1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, với những phân tích trên, có thể thấy hành vi giả danh người khác để kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phản cảm, làm xói mòn niềm tin của xã hội và rất đáng lên án.

Trên đây là những phân tích mang tính tham khảo, Luật Hùng Phúc xin được gửi đến Quý khách hàng để có cái nhìn rõ hơn về sự việc dưới góc độ pháp lý. Đối với từng vụ việc cụ thể, mà các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tình tiết thực tế để có biện pháp xử lý phù hợp.

(Luật sư Đào Thị Khánh Hòa – Công ty Luật TNHH Hùng Phúc)

Xem thêm:

 

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm