NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI BIẾT KHI NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

Lượt xem: 713

Thời buổi hội nhập khiến hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài về Việt Nam diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cần đáp ứng những điều kiện nhất định, đặc biệt là đối với những máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Dưới đây là “ Những vấn đề cần phải biết khi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng ”.

NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI BIẾT KHI NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

Thứ nhất, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là gì?

Theo quy định tại  Điều 3 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg “Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là một kết cấu hoàn chỉnh, gồm các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau để vận hành, chuyển động theo mục đích sử dụng được thiết kế, sau khi xuất xưởng đã được lắp ráp và vận hành hoạt động.”

Thứ hai, điều kiện đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu:

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cần phải đáp ứng những điều kiện sau để được nhập khẩu vào Việt Nam:

– Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể, tuổi thiết bị được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 18/2019/QĐ-TTg. Tuổi thiết bị là thời gian (tính theo năm), cụ thể:

Tuổi thiết bị = Năm nhập khẩu (năm hàng hóa về đến cửa khẩu Việt Nam) – Năm sản xuất

Ngoại lệ : Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định trên nhưng công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi máy móc, thiết bị trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại của máy móc, thiết bị vẫn đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế và mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng của máy móc, thiết bị không vượt quá 15% so với thiết kế thì có thể được nhập khẩu nếu doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất tại Việt Nam, để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.

– Được sản xuất theo tiêu chuẩn:

+ Trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

+ Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;

Thứ ba, về trình tự, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng:

Về hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng:

– Hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan xem tại https://luathungphuc.vn/ho-so-hai-quan-doi-voi-hang-hoa-nhap-khau/;

– Giấy xác nhận của nhà sản xuất máy móc, thiết bị về năm sản xuất và tiêu chuẩn của máy móc, thiết bị đáp ứng các tiêu chí nêu trên trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc (Bản chính, Giấy xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự và kèm bản dịch sang tiếng Việt);

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp (Bản sao). Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu;

– Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu quy định trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc. (Nội dung chứng thư giám định thực hiện theo quy định tại Điểm a, b, c, d, e Khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg).

Lưu ý: Riêng trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định tại Mục 2 nêu trên thì ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp phải nộp văn bản chấp thuận việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về trình tự, thủ tục nhập khẩu

– Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan hải quan, nơi đăng ký tờ khai hải quan;

– Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp phải có chứng thư giám định thì trong chứng thư giám định phải có kết luận máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu quy định.

Thứ tư, đưa hàng về bảo quản trong trường hợp không có giấy xác nhận của nhà sản xuất

– Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đưa máy móc, thiết bị về bảo quản, doanh nghiệp phải nộp Cơ quan hải quan chứng thư giám định. Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu đầy đủ, hợp lệ và chứng thư giám định ghi kết luận máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu quy định.

– Trường hợp kết quả giám định máy móc, thiết bị không đáp ứng yêu cầu quy định, doanh nghiệp bị xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

– Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ nhập khẩu doanh nghiệp không có giấy xác nhận của nhà sản xuất và chưa cung cấp được chứng thư giám định, quan sau khi nộp Cơ quan hải quan văn bản đăng ký dịch vụ giám định máy móc, thiết bị có xác nhận của một tổ chức giám định được chỉ định theo quy định, doanh nghiệp được đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định của pháp luật hải.

Lưu ý:

– Không áp dụng các quy định trên đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thuộc Khoản 2 Điều 1 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.

– Không làm thủ tục hải quan, thông quan đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được xuất khẩu từ các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường hoặc không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

– Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp để phục vụ cho các hoạt động sản xuất của chính doanh nghiệp, KHÔNG được nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh thương mại.

Fanpage: Văn phòng Luật sư Hùng Phúc

luathungphuc.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất